Bàng quang thần kinh là gì, có nguy hiểm không?

Hiện nay, rối loạn tiểu tiện đang là tình trạng khiến rất nhiều người quan tâm lo lắng, chắc hẳn khi tìm hiểu về vấn đề này không ít lần bạn nghe thấy cụm từ “bệnh lý bàng quang thần kinh”. Vậy bàng quang thần kinh là gì, bệnh lý này có nguy hiểm không và làm thế nào để điều trị? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Bàng quang thần kinh là gì?

Hoạt động của bàng quang được chỉ huy bở các tín hiệu thần kinh phức tạp.

Bàng quang thần kinh là một bệnh lý rối loạn hoạt động và chức năng của bàng quang mà nguyên nhân là do một phần hệ thống thần kinh bị tổn thương. Các tín hiệu thần kinh chỉ huy hoạt động của bàng quang trở nên bất thường gây ảnh hưởng tới chức năng của cơ quan này, khiến người bệnh gặp một loạt các triệu chứng rối loạn tiểu tiện.

Hậu quả của bàng quang thần kinh có thể có 2 trường hợp:

  • Bàng quang hoạt động kém, cơ bàng quang co bóp yếu, không thể tống hoàn toàn nước tiểu ra ngoài: do thần kinh bị tổn thương, các tín hiệu thân kinh biến mất hoặc suy yếu.
  • Bàng quang tăng hoạt động, cơ bàng quang co bóp thường xuyên, liên tục: do thần kinh bị tổn thương trở nên kích thích, các tín hiệu thần kinh bất thường xuất hiện liên tục làm tăng hoạt động của bàng quang, mất khả năng phối hợp với các cơ thắt niệu đạo.

Nguyên nhân gây bàng quang thần kinh

Chấn thương cột sống gây tổn thương thần kinh

Bàng quang thần kinh thường liên quan tới các bệnh lý tổn thương thần kinh toàn thần hoặc tổn thương các rễ thần kinh chi phối hoạt động bàng quang vùng cùng cụt, ngoài ra các bệnh lý rối toàn thân gây ảnh hưởng tới dinh dưỡng thần kinh cũng có thể gây bàng quang thần kinh. Cụ thể là:

  • Các dị tật bẩm sinh gây ảnh hưởng trực tiếp tới tủy sống: tật nứt đốt sống, bất thường cột sống ảnh hưởng tới tủy sống, bất sản xương cùng,…
  • Các khối u vùng xương chậu gây chèn ép thần kinh chi phối hoạt động bàng quang, hoặc các khối u trong tủy sống gây chèn ép tủy sống.
  • Các loại chấn thương gây tổn thương tủy sống như chấn thương gãy cột sống, phẫu thuật cột sống,…
  • Các bệnh lý gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh như đột quỵ, Parkinson, u hệ thống thần kinh trung ương,
  • Bàng quang thần kinh có thể là biến chứng của các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, giang mai, bại liệt, ngộ độc kim loại nặng,…

Các triệu chứng của bàng quang thần kinh bạn cần biết

Các triệu chứng của bàng quang thần kinh thường đặc trưng cho tình trạng bàng quang giảm chức năng, cơ bàng quang co bóp yếu do các tín hiệu thần kinh chỉ huy suy yếu hoặc biến mất, hậu quả gây ra các triệu chứng sau:

Tiểu nhỏ giọt

Người bị bàng quang thần kinh thường gặp tình trạng tiểu nhỏ giọt, dù buồn tiểu nhưng khi đi tiểu người bệnh chỉ đi được vài giọt nước tiểu, nước tiểu chảy không thành dòng, đi tiểu xong thường không có cảm giác thoải mái. Nguyên nhân gây tình trạng này là do bàng quang co bóp kém không đẩy được nước tiểu ra ngoài, đồng thời mất khả năng giãn các cơ vòng niệu đạo khiến nước tiểu không thể chảy ra ngoài.

Người bệnh buồn tiểu nhưng đi tiểu được ít nước tiểu

Tiểu khó

Kết hợp với tiểu nhỏ giọt, người bệnh thường gặp nhiều khó khăn khi đi tiểu, nước tiểu không thể chảy ra bên ngoài một cách dễ dàng, người bệnh thường phải rặn tiểu, tuy nhiên lượng nước tiểu ra ngoài cũng không nhiều.

Bí tiểu

Nhiều trường hợp nặng, người bệnh không thể đi tiểu do bàng quang không co bóp và các cơ vòng niệu đạo không giãn ra, người bệnh có thể gặp tình trạng bí tiểu với biểu hiện có cảm giác căng tức bàng quang, mót tiểu nhưng đi tiểu không có nước tiểu ngay cả khi rặn tiểu, sờ vùng bàng quang cảm thấy căng tức hoặc vồng lên.

Tiểu không tự chủ

Trong một số trường hợp, người bệnh bàng quang thần kinh lại gặp tình trạng nước tiểu rò rỉ ra ngoài một cách tự nhiên, không theo sự kiểm soát của cơ thể, thậm trí người bệnh còn không có cảm giác mót tiểu gây ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt và công việc của người bệnh. Nguyên nhân là do cơ bàng quang mất hoàn toàn phản xạ, không còn khả năng chứa đựng nước tiểu, nước tiểu sẽ chảy trực tiếp từ bàng quang qua niệu đạo và ra ngoài.

Bàng quang thần kinh có nguy hiểm không?

Bàng quang quá đầy gây trào ngược nước tiểu lên thận

Bàng quang thần kinh thường là hệ quả của một bệnh lý tổn thương thần kinh nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị sớm, ngoài ra sự suy giảm chức năng bàng quang của bệnh lý này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh, cụ thể là:

  • Tăng nguy cơ viêm, nhiễm trùng tiết niệu: nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang lâu ngày tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm bàng quang, niệu quản và viêm thận.
  • Nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu: ứ đọng nước tiểu, tăng lắng đọng các chất vô cơ trong nước tiểu là cơ hội tốt để hình thành sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo hay sỏi đài bể thận. Việc hình thành sỏi tiết niệu có thể khiến các triệu chứng người bệnh gặp phải trở nên nặng nề hơn.
  • Thận ứ nước: người bệnh không thể đi tiểu khiên nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang, khi bàng quang đầy, nước tiểu có thể bị trào ngược qua niệu đạo lên thận gây ứ nước tiểu tại thận, người bệnh sẽ thấy vùng thắt lưng đau âm ỉ, hơi vồng lên, trường hợp này làm tăng nguy cơ giãn đài bể thận.
  • Vỡ bàng quang: nước tiểu ứ trong bàng quang quá nhiều không được giải quyết khiến bàng quang căng giãn quá mức, người bệnh có thể phải đối diện với nguy cơ vỡ bàng quang.

Bàng quang thần kinh có chữa khỏi được không?

Điều trị bàng quang thần kinh phức tạp và khó điều trị khỏi hoàn toàn

Theo các nghiên cứu cho thấy, việc chữa khỏi được bàng quang thần kinh được hay không phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân gây bệnh, do bàng quang thần kinh chỉ là một hệ quả khi hệ thống thần kinh bị tổn thương.

Đối với các nguyên nhân gây bệnh có liên quan tới chấn thương, khối u chèn ép, biến chứng tiểu đường, giang mai, nhiễm độc kim loại nặng,… bệnh có thể được điều trị khỏi tuy nhiên tiên lượng còn phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng của từng bệnh nhân.

Đối với những người mắc bàng quang thần kinh do dị tật bẩm sinh, hoặc bệnh lý ác tính, bệnh thường khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bàng quang thần kinh hiện đại có thể giúp người bệnh cải thiện được chất lượng cuộc sống.

Khám và chẩn đoán bàng quang thần kinh

Bạn nên theo dõi các bất thường tiểu tiện và đi khám sớm

Để hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bàng quang thần kinh cũng như để tìm được phương pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng cuộc sống, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám sớm, đặc biệt trong những trường hợp sau đây:

  • Buồn tiểu nhưng đi tiểu khó, tiểu nhỏ giọt.
  • Có cảm giác căng tức bàng quang, nhưng không thể đi tiểu, sờ thấy bàng quang căng vồng lên.
  • Không có cảm giác buồn tiểu, nước tiểu rỉ ra ngoài một cách tự nhiên.

Khi đi khám bàng quang kích thích, bạn nên chọn khám tại các cơ sở có chuyên khoa thận tiết niệu từ tuyến tỉnh trở lên, quá trình khám thường trải qua hai giai đoạn sau:

  • Khám lâm sàng: bác sĩ hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải, bạn nên cung cấp các thông tin thật chính xác để phục vụ chẩn đoán. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng như khám cầu bàng quang, khám thận, khám nước tiểu, đo lượng nước tiểu 24 giờ,…
  • Khám cận lâm sàng: Bệnh nhân thường được chỉ định các cận lâm sàng sau: đo thể tích nước tiểu tồn dư, niệu dòng đồ, đo áp lực bàng quang, Xquang hệ tiết niệu, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, điện cơ, nội soi bàng quang, niệu động học video,…

Chẩn đoán xác định tình trạng bạn đang gặp phải sẽ được bác sĩ kết luận sau khi tổng hợp kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng.

Phương pháp điều trị bàng quang thần kinh hiệu quả nhất

Dưới đây là các phương pháp điều trị bàng quang thần kinh hiệu quả đang được áp dụng phổ biến hiện nay:

Phương pháp luyện tập

Bài tập kengle giúp tăng cường chức năng bàng quang

Rèn luyện bàng quang là một trong những liệu pháp được áp dụng nhiều khi điều trị bàng quang thần kinh. Người bệnh sẽ được hướng dẫn luyện tập đi tiểu đúng giờ bằng cách lập cho mình một lịch trình đi tiểu khoa học trong đó hai lần đi tiểu liên tiếp thường cách nhau khoảng 3 giờ. Lúc này bạn cần đi tiểu đúng theo giờ đã đề ra đồng thời ghi lại lượng nước tiểu đã đi và biểu hiện các triệu chứng khi đi tiểu để có thể theo dõi diễn biến của bệnh.

Ngoài ra, người bị bàng quang thần kinh được khuyến cáo nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao đặc biệt là bài tập Kengel, nhằm làm tăng sức của cơ bàng quang và nhóm cơ sàn chậm, giúp bàng quang co bóp tốt hơn cải thiện triệu chứng bệnh.

Sử dụng thuốc Tây điều trị

Bàng quang thần kinh không có thuốc tây đặc trị, tuy nhiên bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng một số loại thuốc làm giảm hoặc làm tăng sức co bóp của cơ bắp, giúp cơ bàng quang hoạt động tốt hơn, hỗ trợ làm trống bàng quang một cách thích hợp.

Việc lực chọn nhóm thuốc và loại thuốc sử dụng sẽ phụ thuộc vào bác sĩ điều trị sau khi đã khám và xác định được tình trạng của người bệnh. Bạn không nên tự ý mua và sử dụng thuốc tây để điều trị khi chưa có hướng dẫn.

Liệu pháp điện kích thích

Phương pháp này sẽ thực hiện bằng cách cấy các điện cực gần các dây thần kinh cho phối hoạt đọng của bàng quang, các điện cực sẽ tạo ra các kích thích có tính cách giống các xung động thần kinh chi phối hoạt động bàng quang đã bị tổn thương, qua đó kích thích bàng quang hoạt động một cách bình thường các triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện.

Đặt ống thông tiểu

Ống thông tiểu dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang ra ngoài

Ống thông tiểu được chỉ định đặt trong trường hợp người bệnh bi tiểu khó, bí tiểu, cần dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Đây là một loại ống cao su mềm, nhổ được luồn từ lỗ tiểu qua niệu đạo vào bàng quang.

Với bệnh nhân bàng quang thần kinh, ống thông tiểu sẽ được đặt trong một khoảng thời gian dài, người bệnh có thể cần sử dụng kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn tiết niệu. Ngoài ra, lưu ý kẹp ống thông tiểu 2-3 tiếng mới tháo nước tiểu một lần để bàng quang được duy trì chức năng chứa đựng nước tiểu.

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng khi các phương pháp khác không có hiệu quả, thường được chỉ định với các bệnh nhân có nguy cơ tiến triển nặng cấp tính, hoặc tình trạng liệt tứ chi gây cản trở việc sử dụng dẫn lưu bàng quang liên tục hoặc ngắt quãng. Gồm các phương pháp:

  • Cắt cơ thắt chuyển bàng quang thành đường dẫn hở.
  • Phẫu thuật cắt rễ dây thần kinh đoạn cùng (S3, S4) chuyển bàng quang co cứng thành bàng quang liệt mềm.

Làm thế nào để phòng bệnh bàng quang thần kinh?

Bàng quang thần kinh là bệnh do nhiều nguyên nhân phức tạp gây ra, trong đó có các nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải. Chính vì thế, để phòng bệnh bàng quang thần kinh hiệu quả bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Khám sàng lọc các dị tật bẩm sinh trong quá trình mang thai cũng như trong giai đoạn sơ sinh.
  • Theo dõi các dấu hiệu bất thường của hệ tiết niệu, phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh để bệnh trở nên trầm trọng.
  • Điều trị các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, giang mai ở giai đoạn sớm, tránh gây ra biến chứng.
  • Cẩn thận khi tham gia giao thông và trong sinh hoạt lao động phòng tránh tai nạn, chấn thường cột sống.

Lời kết:

Bàng quang thần kinh là bệnh lý liên quan tới tổn thương thần kinh rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vậy nên bạn cần chú ý hơn đến các bất thường tiểu tiện mình gặp phải, để đi khám phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Cập nhật lúc: 13/03/2024
*CẢNH BÁO* Hiện nay có một số đối tượng giả danh công ty Thái Minh để “lừa dối” khách hàng. Vì vậy, từ ngày 01/02/2022 THÁI MINH sẽ sử dụng số điện thoại duy nhất 0986.01.01.01 để liên hệ GỌI RA và chăm sóc khách hàng. Trân trọng!

Bài viêt liên quan

Xem thêm »

Có thể bạn quan tâm

Loading...