8 Loại kháng sinh giúp điều trị tiểu buốt hiệu quả

Nhiều người hiện nay thường có thói quen sử dụng thuốc trong việc điều trị bệnh nói chung và tiểu buốt nói riêng. Tuy nhiên không phải ai uống thuốc cũng tốt và phù hợp. Vậy khi nào nên uống thuốc và cách uống như thế nào đem lại hiệu quả tốt nhất. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây…

1. Tiểu buốt là gì?

Tiểu buốt là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng đau buốt, nóng rát khiến người bệnh khó chịu khi đi tiểu. Hiện tượng này có thể bắt gặp cả ở nam giới và nữ giới trong mọi lứa tuổi. Tuy nhiên phổ biến hơn ở nữ giới khoảng 20 – 50 tuổi và nam giới cao tuổi do liên quan đến bệnh tăng sinh tuyến tiền liệt.

Nguyên nhân chủ yếu gây đi tiểu buốt là nhiễm trùng đường tiết niệu, nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra không do nhiễm trùng.

Nguyên nhân chủ yếu (chiếm 75 – 90%) khiến người bệnh bị tiểu buốt là do nhiễm trùng đường tiết niệu. Chúng gây ra bởi vi khuẩn Eschericia coli (E coli) sống ở đường tiêu hóa, từ hậu môn xâm nhập vào niệu đạo lên bàng quang, thận. Ngoài ra, còn một số vi khuẩn khác như Klebsiella pneumoniae, Mycobacterium tuberculosis, Staphylococcus aureus… Nấm Candida albicans cũng là những tác nhân gây ra bệnh nhiễm trùng.

2. Bị đi tiểu buốt khi nào cần dùng kháng sinh?

Kháng sinh là loại thuốc kê đơn có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, nấm hoặc tiêu diệt chúng. Nếu nguyên nhân gây đi tiểu buốt là do vi khuẩn, nấm gây nhiễm trùng thì mới cần sử dụng kháng sinh để điều trị. Vì vậy, người tiểu buốt uống kháng sinh trong những trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu như viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn, viêm thận bể thận…

Tùy thuộc vào chủng loại gây bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn các loại kháng sinh thích hợp. Nếu dùng thuốc không đúng thì việc điều trị không hiệu quả và tăng khả năng kháng thuốc.

3. 7 loại thuốc kháng sinh giúp điều trị tiểu buốt hiệu quả

Bởi tỷ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam ngày càng cao nên hiện nay có nhiều loại kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu đã bị đề kháng. Do đó để xác định loại kháng sinh có độ nhạy cao nhất với vi khuẩn gây bệnh cần tiến hành làm kháng sinh đồ.

Trong điều trị tiểu buốt do nhiễm trùng, những loại thuốc kháng sinh thường được khuyến cáo lựa chọn dưới đây:

3.1. Trimethoprim/Sulfamethoxazole

Trimethoprim/Sulfamethoxazole là sự kết hợp của hai loại kháng sinh đem lại tác dụng hiệp đồng, giúp tăng cường khả năng kháng khuẩn.

– Cơ chế tác dụng:

  • Trimethoprim: Ức chế cạnh tranh việc sử dụng axit para-aminobenzoic trong quá trình tổng hợp dihydrofolate của tế bào vi khuẩn.
  • Sulfamethoxazole: Ức chế thuận nghịch men dihydrofolate reductase (DHFR) của vi khuẩn – enzym giúp chuyển hóa dihydrofolate thành tetrahydrofolate.
  • Vì vậy nó có tác dụng kháng khuẩn hiệp đồng nhờ ngăn chặn 2 bước liên tiếp trong quá trình sinh tổng hợp purin khiến vi khuẩn không thể sản sinh ra axit nucleic cần thiết cho sự nhân lên.

– Đối tượng sử dụng: Dùng cho người lớn và thanh thiếu niên từ 12- 18 tuổi bị nhiễm trùng đường tiết niệu gây tiểu buốt không có biến chứng.

– Liều lượng dùng:

Hiện nay có nhiều hàm lượng phối hợp khác nhau của 2 kháng sinh này như: sulfamethoxazole 400mg + trimethoprim 80mg, sulfamethoxazole 800mg + trimethoprim 160mg.

Liều khuyến cáo là 1 viên sulfamethoxazole 800mg + trimethoprim 160mg hoặc 2 viên sulfamethoxazole 400mg + trimethoprim 80mg.

– Chống chỉ định:

  • Quá mẫn cảm với sulfamethoxazole, trimethoprim.
  • Người suy chức năng gan nặng.
  • Suy thận nặng không thể thực hiện các phép đo lặp lại nồng độ trong huyết tương.
  • Người có tiền sử giảm tiểu cầu miễn dịch do thuốc khi dùng trimethoprim, sulphonamides.
  • Bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính.

– Tác dụng phụ cần chú ý:

  • Thường gặp: Phát ban, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu…
  • Hiếm gặp: Nôn.
  • Rất hiếm gặp: Ù tai, chóng mặt, ảo giác, trầm cảm, viêm đại tràng màng giả, phản ứng quá mẫn nghiêm trọng…
  • Tỷ lệ không biết: Rối loạn tâm thần, tăng bạch cầu ái toan

3.2. Fosfomycin

Fosfomycin là một kháng sinh thuộc dẫn xuất từ acid fosfonic có phổ kháng khuẩn rộng.

– Cơ chế tác dụng: Ức chế enzyme enolpyruvyl transferase nên làm giảm hình thành acid uridin diphosphat-N-acetylmuramic. Vì vậy nó ngăn chặn giai đoạn đầu của quá trình tạo màng tế bào vi khuẩn.

– Đối tượng sử dụng: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa có biến chứng (như viêm bàng quang cấp) gây ra bởi vi khuẩn Escherichia coli, Enterococcus faecalis.

– Liều lượng dùng:

  • Thuốc bột pha uống: Người lớn uống 1 liều duy nhất 3g.
  • Thuốc bột pha tiêm: Dùng trong những trường hợp nặng, liều trung bình của người lớn là 100-200 mg/kg/ngày. Với trẻ em không tiêm vượt quá con số này.

– Chống chỉ định:

  • Mẫn cảm với fosfomycin.
  • Viêm thận – bể thận hoặc áp xe quanh thận.
  • Suy thận có độ thanh thải creatinin dưới 5 ml/phút.

– Tác dụng phụ cần chú ý:

  • Thường gặp: Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, viêm âm đạo, viêm họng, viêm mũi…
  • Ít gặp: Táo bón, chán ăn, khô miệng, đầy hơi, nôn, đau nửa đầu, đau cơ, căng thẳng thần kinh, ngứa, loạn sắc tố da, phát ban…
  • Hiếm gặp: Viêm thần kinh thị giác một bên, hoại tử gan, phình đại tràng nhiễm độc, vàng da, hen phế quản…

3.3. Nitrofurantoin

Nitrofurantoin là dẫn chất nitrofuran có tác dụng kháng khuẩn đường tiết niệu.

– Cơ chế tác dụng: Nitrofurantoin bị khử bởi flavoprotein do vi khuẩn sản sinh, tạo ra các chất trung gian làm bất hoặc hoặc thay đổi protein ribosome và một số phân tử khác của vi khuẩn. Vì vậy, ngăn chặn quá trình tổng hợp protein, DNA, RNA và cả tổng hợp vách tế bào của vi sinh vật.

– Đối tượng sử dụng: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp không có biến chứng và mạn tính gây ra bởi E. coli, Enterococcus, S. saprophyticus, S. aureus và các chủng nhạy cảm Enterobacter, Klebsiella.

– Liều lượng dùng:

  • Người lớn: Uống 50-100 mg/lần x 4 lần/ngày trong bữa ăn và trước khi đi ngủ.
  • Trẻ em: Uống 5 – 7 mg/kg thể trọng/ngày, chia 4 lần, có thể sử dụng liều thấp 1 mg/kg/ngày khi điều trị lâu dài.

– Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với nitrofurantoin.
  • Suy thận nặng, vô niệu, thiểu niệu.
  • Trẻ em dưới 2 tháng tuổi.
  • Người bệnh thiếu hụt enzyme glucose – 6 – phosphat dehydrogenase.

– Tác dụng phụ cần chú ý:

  • Thường gặp: Sốt, đau cơ, khô miệng, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, mày đay, ngứa…
  • Ít gặp và hiếm gặp: Giảm bạch cầu đa nhân, thiếu máu tan máu ở người thiếu hụt G6PD di truyền, viêm tuyến mang tai, rung giật nhãn cầu, lupus ban đỏ toàn thân…

3.4. Amoxicillin kết hợp với acid clavulanic

Amoxicillin/acid clavulanic là kháng sinh phối hợp giúp diệt khuẩn hiệu quả.

– Cơ chế tác dụng:

  • Amoxicillin: Ức chế quá trình tổng hợp peptidoglycan của thành tế bào vi khuẩn, bị bất hoạt khi tiếp xúc với enzym beta-lactamase của vi khuẩn.
  • Acid clavulanic: Tác dụng hiệp đồng, mở rộng phổ kháng khuẩn cho amoxicillin chống lại vi khuẩn sản sinh beta-lactamase.
  • Vì vậy kháng sinh có thể tiêu diệt một số vi khuẩn đã đề kháng với amoxicillin.

– Đối tượng sử dụng: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu – sinh dục nặng gây ra bởi các chủng E. coli, Klebsiella và Enterobacter sản sinh beta-lactamase nhạy cảm như bệnh viêm bàng quang, viêm bể thận (nhiễm khuẩn đường sinh dục nữ), viêm niệu đạo.

– Liều lượng dùng: Tùy thuộc vào dạng phối hợp theo tỷ lệ nào (2:1, 4:1 hoặc 7:1) mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng cụ thể.

  • Liều người lớn và trẻ em trên 40 kg: Uống 1 viên (250 mg/125 mg) cách 8 giờ/lần hoặc 1 viên (500 mg/125 mg) cách 12 giờ/lần. Nhiễm khuẩn nặng có thể dùng 1 viên (500 mg/125 mg) cách 8 giờ/lần hoặc 1 viên (875 mg/125 mg) cách 12 giờ/lần. Có thể sử dụng dạng bột pha hỗn dịch nếu người bệnh khó nuốt như người cao tuổi.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 12 tuần tuổi: Dùng 30 mg/kg amoxicilin/ngày cách 12 giờ/lần (dùng dạng hỗn dịch 125 mg/5 ml).

– Chống chỉ định: Quá mẫn với nhóm beta-lactam (các penicilin và cephalosporin).

– Tác dụng phụ cần chú ý:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ngoại ban, ngứa.
  • Ít gặp: Tăng bạch cầu ưa eosin, tăng transaminase, nhức đầu, sốt, mệt mỏi.
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, phù Quincke, giảm bạch cầu, thiếu máu tan máu…

3.5. Ceftriaxone

Ceftriaxone là một cephalosporin thế hệ thứ 3 có phổ kháng khuẩn rộng. Kháng sinh này thường chỉ áp dụng cho nhiễm khuẩn nặng.

– Cơ chế tác dụng: Ức chế quá trình tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn.

– Đối tượng sử dụng: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (gồm cả viêm bể thận).

– Liều lượng dùng: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.

  • Người lớn: Tiêm 1 – 2g/ngày chia 1 – 2 lần/ngày. Với trường hợp bị bệnh nghiêm trọng có thể dùng tới 4g.
  • Trẻ em: Dùng 50 – 75 mg/kg/ngày chia 1 – 2 lần/ngày. Tổng liều không vượt quá 2 g mỗi ngày.
  • Trẻ sơ sinh: Dùng 50 mg/kg/ngày.

– Chống chỉ định:

  • Mẫn cảm với kháng sinh nhóm cephalosporin, tiền sử có phản ứng phản vệ với penicilin.
  • Với dạng thuốc tiêm bắp thịt: Mẫn cảm với lidocain, không sử dụng cho trẻ dưới 30 tháng.

– Tác dụng phụ cần chú ý:

  • Thường gặp: Ỉa chảy, phản ứng da, ngứa, nổi ban.
  • Ít gặp: Sốt, viêm tĩnh mạch, phù, nổi mày đay, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
  • Hiếm gặp: Ðau đầu, chóng mặt, phản vệ, viêm đại tràng có màng giả, tiểu tiện ra máu, tăng creatinin huyết thanh…

3.6. Levofloxacin

Levofloxacin là loại kháng sinh nhóm quinolone có tác dụng diệt khuẩn.

– Cơ chế tác dụng: Ức chế enzym topoisomerase II và/hoặc IV (DNA-gyrase). Những enzyme này xúc tác quá trình sao chép, phiên mã và tu sửa ADN của vi khuẩn. Vì vậy mà vi khuẩn không thể tăng sinh và phát triển.

– Đối tượng sử dụng:

  • Viêm tuyến tiền liệt.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng hoặc không.

– Liều lượng dùng:

Tùy thuộc vào loại và mức độ nhiễm trùng đường tiết niệu mà sử dụng liều lượng khác nhau:

  • Có biến chứng: Uống 250 mg/lần/ngày trong 10 ngày.
  • Không có biến chứng: Dùng 250 mg/lần/ngày trong 3 ngày.
  • Viêm thận – bể thận cấp: Uống 250 mg/lần/ngày trong 10 ngày.

– Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với levofloxacin, với các quinolon khác.
  • Động kinh, thiếu hụt G6PD, tiền sử bị bệnh ở gân cơ do dùng fluoroquinolon.
  • Trẻ em nhỏ hơn 18 tuổi.

– Tác dụng phụ cần chú ý:

  • Thường gặp: Buồn nôn, ỉa chảy, mất ngủ, đau đầu, kích ứng nơi tiêm.
  • Ít gặp: Hoa mắt, căng thẳng, kích động, lo lắng, đầy hơi, khó tiêu, nôn, táo bón, viêm âm đạo, nhiễm nấm candida sinh dục…
  • Hiếm gặp: Viêm đại tràng màng giả, khô miệng, viêm dạ dày, phù lưỡi, yếu cơ, đau cơ, viêm tuỷ xương, trầm cảm, rối loạn tâm thần…

3.7. Ciprofloxacin

Ciprofloxacin là loại kháng sinh thuộc nhóm quinolone có tác dụng diệt khuẩn.

– Cơ chế tác dụng: Ức chế DNA gyrase của quá trình sao chép chromosome, vì vậy vi khuẩn không thể nhân lên được.

– Đối tượng sử dụng: Chỉ được dùng trong những trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây đi tiểu buốt ở mức độ nặng mà các thuốc kháng sinh thông thường khác không đem lại hiệu quả.

  • Viêm đường tiết niệu trên và dưới.
  • Viêm tuyến tiền liệt.

– Liều lượng dùng: Người bệnh cần uống với nhiều nước sau bữa ăn 2 giờ.

  • Người lớn: Uống 250 – 750 mg/lần, cách 12 giờ/lần. Tiêm tĩnh mạch với liều 200 – 400 mg cách 12 giờ/lần.
  • Trẻ em và trẻ vị thành niên: Uống l7,5 – 15 mg/kg/ngày, chia 2 – 3 lần. Truyền tĩnh mạch 5 – 10 mg/kg/ngày, truyền từ 30 – 60 phút.

– Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với ciprofloxacin, các thuốc liên quan như acid nalidixic và các thuốc thuộc nhóm quinolon khác.
  • Phụ nữ mang thai và bà mẹ trong thời kỳ cho con bú, trừ khi buộc phải dùng.

– Tác dụng phụ cần chú ý:

  • Thường gặp: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng, tăng tạm thời nồng độ các transaminase.
  • Ít gặp: Nhức đầu, sốt do thuốc, giảm bạch cầu lympho, giảm bạch cầu đa nhân, kích động, rối loạn tiêu hóa…
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ hoặc dạng phản vệ, thiếu máu tan máu, tăng bạch cầu…

3.8. Doxycyclin

Doxycyclin thuộc kháng sinh nhóm tetracyclin có tác dụng kìm khuẩn với phổ kháng khuẩn rộng.

– Cơ chế tác dụng: Liên kết với tiểu đơn vị 30S và có thể cả với 50S của ribosom vi khuẩn gây ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn. Ngoài ra còn làm thay đổi ở màng bào tương.

– Đối tượng sử dụng:

Viêm niệu đạo không đặc hiệu do Ureaplasma urealyticum.

– Liều lượng dùng:

  • Dạng viên: Uống 100 mg/lần, ngày 2 lần trong 7 ngày.
  • Dạng tiêm: Liều thường dùng để tiêm truyền tĩnh mạch là 200 mg chia thành 1 – 2 lần vào ngày thứ nhất, và trong những ngày sau tiêm 100 – 200 mg.

– Chống chỉ định:

  • Quá mẫn cảm với các tetracyclin, thuốc gây tê “loại cain” như lidocain, procain.
  • Trẻ em dưới 8 tuổi.
  • Suy gan nặng.

– Tác dụng phụ cần chú ý:

  • Thường gặp: Nhức đầu, hội chứng cảm cúm thông thường, viêm thực quản, đau khớp, đau răng, rối loạn tiêu hóa (ỉa chảy, nôn, khó tiêu).
  • Ít gặp: Ban, mẫn cảm ánh sáng, buồn nôn, ỉa chảy, nhức đầu, rối loạn thị giác, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ưa eosin. Tác dụng phụ tại chỗ gây viêm tĩnh mạch.
  • Hiếm gặp: Tăng áp lực nội sọ lành tính, thóp phồng ở trẻ nhỏ, viêm đại tràng do kháng sinh, răng kém phát triển.

4. Những lưu ý khi sử dụng kháng sinh chữa tiểu buốt

Thuốc kháng sinh là thuốc kê đơn nên người bệnh cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa và kê đơn dựa vào tác nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về uống. Những lưu ý khi sử dụng thuốc như sau:

  • Tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian để tránh hiện tượng kháng thuốc.
  • Không được tự ý dùng đơn của người khác để sử dụng cho mình.
  • Khi gặp các tác dụng ngoài ý muốn trong khi điều trị hay dùng thuốc nhưng không đem lại hiệu quả cần liên hệ với bác sĩ kê đơn để xem xét có nên tiếp tục điều trị hay không.
  • Không lưu đơn thuốc để dùng lại cho lần sau do mỗi lần tái phát bệnh có thể do nguyên nhân khác nhau và cần sử dụng đúng loại thuốc nhạy cảm với tác nhân đó.

Trên đây là 8 loại kháng sinh giúp điều trị tiểu buốt hiệu quả. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để bệnh được khỏi nhanh nhất.

Cập nhật lúc: 13/03/2024
*CẢNH BÁO* Hiện nay có một số đối tượng giả danh công ty Thái Minh để “lừa dối” khách hàng. Vì vậy, từ ngày 01/02/2022 THÁI MINH sẽ sử dụng số điện thoại duy nhất 0986.01.01.01 để liên hệ GỌI RA và chăm sóc khách hàng. Trân trọng!

Bài viêt liên quan

Xem thêm »

Có thể bạn quan tâm

Loading...