Cảnh giác với viêm bàng quang mãn tính

Viêm bàng quang cấp tính nếu không có biện pháp chữa trị đúng rất dễ chuyển sang mạn tính. Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn này rất khó chữa và nguy cơ cao xảy ra các biến chứng, thậm chí gây nguy hiểm cho sức khỏe. Ngay khi nghi ngờ có các triệu chứng của bệnh, hãy tới trung tâm y tế chuyên khoa để được thăm khám cụ thể nhé.

Nguyên nhân viêm bàng quang mạn tính

Viêm bàng quang là tình trạng viêm xảy ra ở niêm mạc bàng quang. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng phụ nữ thường gặp hơn do đặc điểm niệu đạo ở nữ ngắn và thẳng hơn nam giới. Viêm bàng quang cấp nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ chuyển sang dạng mạn tính.

Viêm bàng quang mãn tính thuộc một loại viêm nhiễm bắt nguồn từ bàng quang và có khả năng bùng phát trong thời gian dài. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh như:

  • Vệ sinh cá nhân không tốt: Đặc biệt là nữ giới, lỗ tiểu gần với hậu môn nên dễ bị nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, cấu tạo, niệu đạo của nữ giới thường ngắn hơn nam giới nên dễ bị lây nhiễm từ lỗ tiểu đến bàng quang hơn so với nam giới.
  • Ứ đọng nước tiểu: Một số tác nhân gây ứ đọng nước tiểu nhất là ứ đọng nước tiểu ở bàng quang bởi sỏi, u, dị dạng bàng quang hoặc do thói quen nhịn tiểu lâu hay táo bón kéo dài.
  • Sinh hoạt tình dục không lành mạnh: Không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, quan hệ tình dục bừa bãi rất dễ gây viêm bàng quang.
  • Các thao tác y tế: Nội soi bàng quang, thông bàng quang, dẫn lưu bàng quang, tán sỏi hoặc phẫu thuật bàng quang bởi dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng có thể gây nhiễm trùng bàng quang.

Vệ sinh cá nhân không tốt có thể khiến bạn mắc viêm bàng quang.

Thông thường, viêm bàng quang cấp nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn tới viêm bàng quang mạn tính. Ngoài ra, viêm bàng quang mạn tính có thể do một số bệnh lý liên quan khác như:

  • Viêm hoặc tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới gây ứ đọng nước tiểu.
  • Người mắc các bệnh đái tháo đường.
  • Hẹp bao quy đầu.
  • Phụ nữ mang thai hoặc người dùng thuốc điều trị ung thư qua đường tiết niệu…

Về căn nguyên, viêm bàng quang mạn chủ yếu do vi sinh vật gây ra. Trong đó, vi khuẩn đóng vai trò đáng kể nhất trong họ vi khuẩn đường ruột, đứng đầu là E. Coli. Sau đó là Proteus, Enterobacter, Citrobacter, Klebsiella… Tiếp đến là vi khuẩn họ cầu khuẩn, chủ yếu là tụ cầu da (S. epidermidis) hoặc tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus) hoặc do trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa). Ngoài ra, viêm bàng quang có thể do vi khuẩn gây viêm niệu đạo cấp hoặc mạn tính đi ngược lên như Chlammydia, Mycolasma.

Tìm hiểu thêm: Vì sao nữ giới dễ mắc viêm bàng quang?

Dấu hiệu nhận biết viêm bàng quang mạn tính

Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, các triệu chứng sẽ không còn biểu hiện rầm rộ và rõ rệt như trước. Thậm chí, bàng quang gần như thích nghi dần với tình trạng kích thích bàng quang, đầy nước tiểu và hay viêm nhiễm. Một số dấu hiệu nhận biết thường là:

  • Tiểu nhiều lần, tiểu liên tục bởi niêm mạc bàng quang dễ kích thích do viêm. Đây là triệu chứng hay gặp nhất ở người bệnh viêm bàng quang mạn tính.
  • Mót tiểu, tiểu buốt lan dọc đường đi của niệu đạo tới lỗ tiểu. Nhiều trường hợp nam giới bị tiểu buốt và đau dữ dội lan tới bẹn, bìu, quy đầu phải dùng tay bóp chặt dương vật cho đỡ đau.
  • Tiểu ra mủ, nước tiểu đục thường thấy cuối bãi và có mùi hôi.
  • Tiểu dắt, tiểu ra máu, có thể do tác động của sỏi bàng quang hoặc lao bàng quang và thường tiểu máu cuối bãi.
  • Bụng dưới rốn có cảm giác tức, rất khó chịu bởi bàng quang ứ đọng nước tiểu.
  • Thỉnh thoảng có thể có sốt, mệt mỏi.

Một số trường hợp, người bệnh không có dấu hiệu nào cụ thể. Hãy thăm khám chuyên khoa ngay khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường nhé.

Tiểu nhiều lần, tiểu rắt là dấu hiệu của bệnh.

Đọc chi tiết: Những dấu hiệu nhận biết viêm bàng quang

Viêm bàng quang mãn tính có nguy hiểm không?

Viêm bàng quang tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống tiết niệu và hệ thống sinh sản. Dưới đây là những biến chứng nguy hiểm do viêm bàng quang mạn tính gây ra:

Thiếu máu: Viêm bàng quang có thể gây ra triệu chứng đi tiểu ra máu. Tình trạng này kéo dài gây mất máu với số lượng nhiều nếu không xử lý kịp thời có thể gây thiếu máu trầm trọng. Thậm chí có một số trường hợp có thể rơi vào tình trạng ngất xỉu, nguy kịch do thiếu máu gây ra.

Xuất huyết bàng quang: Nhiều trường hợp viêm bàng quang mãn tính dẫn tới xuất huyết bàng quang. Đây không chỉ đơn giản là một biến chứng nhẹ mà nó ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng người bệnh với tỷ lệ tử vong cao

Nhiễm trùng thận: Vi khuẩn cư trú ở bàng quang có thể di chuyển ngược dòng lên thận gây viêm và xơ hóa các tế bào thận. Tình trạng này kéo dài có thể gây suy giảm chức năng thận.

Nguy cơ vô sinh, hiếm muộn: Bàng quang rất gần với cơ quan sinh sản của cả nam và nữ giới nên rất dễ gây viêm nhiễm. Khi cơ quan sinh sản như âm đạo, tử cung, buồng trứng… ở phụ nữ và tuyến tiền liệt, ống dẫn tinh… ở nam giới bị nhiễm trùng nặng mà không được điều trị kịp thời làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn rất cao.

Rối loạn chức năng bàng quang: Viêm bàng quang mạn tính gây ra những đợt co thắt cơ bàng quang kèm theo đó có thể gây xuất hiện những vết sẹo, ổ xơ hóa trên thành bàng quang khiến hoạt động tháo rỗng và đổ đầy của bàng quang bị xáo trộn.

Thông tin cần biết: Viêm bàng quang có nguy hiểm hay không?

Chẩn đoán viêm bàng quang mãn tính

Khi có các triệu chứng của viêm bàng quang mãn, tốt nhất người bệnh nên tới những trung tâm y tế để nhờ sự tư vấn của bác sĩ. Thông qua thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm bác sĩ có thẻ khẳng định tình trạng sức khỏe của bạn. Các xét nghiệm này giúp tầm soát chính xác tình trạng bệnh.

Xét nghiệm nước tiểu: Để xác định viêm nhiễm, bác sĩ yêu cầu bạn đi tiểu vào một cái cốc sau đó lấy mẫu đi xét nghiệm. Nếu phát hiện được tác nhân gây bệnh trong quá trình phân tích, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị dựa vào nguyên nhân gây bệnh.

Nội soi bàng quang: Thực hiện nhằm quan sát tình trạng bên trong bàng quang. Bác sĩ thông qua một đường ống nhỏ có camera và ánh sáng đưa vào trong bàng quang để quan sát bàng quang. Sau đó, đưa thêm một ống dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang.

Tìm hiểu thông tin: Viêm bàng quang điều trị bao lâu thì khỏi?

Phác đồ điều trị viêm bàng quang mãn tính

Hầu hết các phương pháp điều trị được áp dụng nhằm giảm biến chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát. Sau đây là một số biện pháp hỗ trợ điều trị viêm bàng quang mãn tính được chỉ định đó là:

Điều trị nội khoa

Người bệnh được chỉ định sử dụng một số loại thuốc kê toa nhằm giảm các triệu chứng của bệnh. Một số loại thuốc bao gồm:

  • Pentosan polysulfate natri (Elmiron): Tác dụng sửa chữa các tổn thương, làm giảm áp lực trong bàng quang.
  • Thuốc kháng viêm không steroid như: naproxen, aspirin, ibuprofen và một số loại thuốc kháng viêm khác.
  • Thuốc chống trầm cảm amitriptyline: giúp làm thư giãn bàng quang và hạn chế các cơn đau tức.
  • Thuốc kháng histamin như Claritin: làm giảm tần suất tiết niệu.
Dùng thuốc nội khoa là giải pháp cải thiện phổ biến nhất. Nó có khả năng làm giảm các triệu chứng ban đầu, giảm các tín hiệu đau đớn lan truyền bởi các dây thần kinh trong bàng quang. Việc điều trị này mất khoảng 2 – 4 tuần để cải thiện.

Phương pháp kích thích thần kinh điện

Đây là kỹ thuật kích thích dây thần kinh xuyên da bằng xung điện giúp các dây thần kinh ở bàng quang được kích thích. Kỹ thuật này giúp giảm các triệu chứng thông qua việc tăng cường lưu thông máu tới bàng quang, cơ xương chậu và kiểm soát bàng quang, kích hoạt giải phóng các chất làm giảm nhẹ cơn đau.

Cân bằng chế độ dinh dưỡng

Nếu chế độ dinh dưỡng không phù hợp có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh. Các loại thực phẩm sau đây nên hạn chế tối đa khi bị viêm bàng quang mạn tính:

  • Bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích.
  • Cà chua.
  • Gia vị cay nóng.
  • Socola.
  • Thực phẩm có chứa caffein.
  • Thực phẩm có tính axit cao như cam, chanh, quýt…

Thay đổi lối sống

Bỏ hút thuốc lá: Tuy không phải là nguyên nhân gây viêm bàng quang nhưng chúng có liên quan tới nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Do đó, hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ để giảm hoặc cải thiện bớt các triệu chứng.

Thể dục đều đặn: Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao giúp bạn kiểm soát được các triệu chứng. Tùy vào tình trạng sức khỏe mà lựa chọn các bộ môn thể dục như đi bộ, yoga, đạp xe, thể dục nhịp điệu… Bên cạnh đó, bạn không nên nhịn tiểu để tránh nguy cơ bệnh bùng phát.

Thư giãn: Hãy học cách để đối phó với các căng thẳng trong cuộc sống nhằm giảm tình trạng viêm bàng quang mãn tính. Một số mẹo giúp giảm căng thẳng, áp lực như ngồi thiền, nghe nhạc, yoga, đọc sách…

Phẫu thuật

Đây là giải pháp sau cùng được áp dụng để mở rộng kích thước bàng quang đồng thời loại bỏ hoặc điều trị các tổn thương bên trong. Phương pháp này được xem xét áp dụng cho các trường hợp điều trị nội khoa thất bại. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thảo luận về vấn đề này trước khi đề cử một giải pháp phù hợp.

Phòng bệnh như thế nào?

Tiêu chí hàng đầu vẫn là phòng bệnh đi đôi với chữa bệnh. Để phòng bệnh hiệu quả, hãy xây dựng một lối sống khoa học bằng cách ăn đủ dinh dưỡng và tập luyện thể thao đều đặn theo hướng dẫn bằng cách:

  • Uống đủ nước mỗi ngày từ 1,5 – 2 lít nước, một số nước ép như nước ép nam việt quất, nước kiwi, cần tây… giúp phòng ngừa bệnh rất tốt.
  • Tăng cường rau xanh và hoa quả trong các bữa ăn hàng ngày.
  • Không nên ăn đồ cay nóng, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chiên rán…
  • Bổ sung các lợi khuẩn tự nhiên từ sữa chua, phô mai…
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách, không nên xịt rửa sâu bên trong vùng kín.
  • Ưu tiên tắm vòi hoa sen, hạn chế ngâm quá lâu trong dung dịch xà phòng.
  • Tuyệt đối không nên nhịn tiểu, cố gắng làm rỗng bàng quang sau mỗi lần đi tiểu.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp tránh thai đúng cách.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
  • Điều trị bệnh lý về tắc nghẽn đường tiết niệu nhanh chóng như : sỏi tiết niệu, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, …

Bạn nên chủ động đi khám khi có những dấu hiệu nghi ngờ viêm bàng quang. Không nên có tâm lý chủ quan, coi thường có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Trên đây là những thông tin chia sẻ về bệnh viêm bàng quang mãn tính và những vấn đề liên quan. Hi vọng những thông tin trên mang lại kiến thức hữu ích cho bạn đọc.

Cập nhật lúc: 13/03/2024
*CẢNH BÁO* Hiện nay có một số đối tượng giả danh công ty Thái Minh để “lừa dối” khách hàng. Vì vậy, từ ngày 01/02/2022 THÁI MINH sẽ sử dụng số điện thoại duy nhất 0986.01.01.01 để liên hệ GỌI RA và chăm sóc khách hàng. Trân trọng!

Bài viêt liên quan

Xem thêm »

Có thể bạn quan tâm

Loading...