Bàng quang như thế nào là bình thường?

Bàng quang là bộ phận có chức năng quan trọng trong cơ thể con người. Đây là nơi chứa nước tiểu từ thận tiết ra  trước khi chúng được thoát ra ngoài cơ thể thông qua quá trình tiểu tiện. Bàng quang gặp vấn đề đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ xuất hiện những dấu hiệu khác lạ. Nhiều người thắc mắc bàng quang như thế nào là bình thường? Cùng trả lời câu hỏi này qua bài viết sau đây.

Bàng quang như thế nào là bình thường?

Bàng quang hay còn gọi là bọng đái, đảm nhiệm nhiệm vụ chứa nước tiểu từ thận tiết ra. Nước tiểu được thoát ra ngoài thông qua quá trình tiểu tiện. Bàng quang như thế nào được gọi là bình thường? Bàng quang được gọi là bình thường khi chúng có vị trí, hình dạng, cấu tạo và chức năng như sau:

Vị trí của bàng quang

Bàng quang nằm ngay dưới phúc mạc và sau khớp mu. Vị trí của bàng quang khi rỗng sẽ có sự dịch chuyển so với khi chứa đầy nước tiểu. Bàng quang khi rỗng sẽ nằm hoàn toàn trong và phía trước của vùng chậu, trước trực tràng và tạng sinh dục. Tuy nhiên, khi chứa đầy nước tiểu, bàng quang căng lên và vượt lên khớp mu và nằm trong ổ bụng.

Nam và nữ khi trưởng thành có vị trí bàng quang tương tự như nhau. Đối với trẻ em sẽ có sự khác biệt chút. Khi trẻ còn nhỏ, phần lớn bàng quang sẽ nằm trong ổ bụng với hình dạng giống quả lê. Khi càng lớn, bàng quang dần tụt xuống vùng chậu. Ống niệu rốn dần thu nhỏ và cuối cùng bít hẳn lại.

Xem chi tiết: Tìm hiểu vị trí của bàng quang bên trong cơ thể

Hình dạng của bàng quang

Hình dạng của bàng quang là hình tứ diện tam giác, với 4 mặt như sau:

  • Mặt trên: Được che phủ bởi lớp phúc mạc, khi bàng quang rỗng sẽ lõm xuống. Ngược lại, nếu bàng quang đầy mặt trên này sẽ lồi lên.
  • Hai mặt dưới bên: Được nằm tựa trên hoành chậu, hai mặt gặp nhau ở phía trước bởi một bờ tròn, đôi khi là mặt trước. Hai mặt này có liên quan tới các bộ phận khác như xương mu, khớp mu, đám rối tĩnh mạch bàng quang…
  • Mặt sau: Có dạng phẳng, đôi khi lồi (thường gặp ở người già). Mặt này còn được gọi là đáy bàng quang, phần trên của đáy được che phủ bởi phúc mạc. Ở nam giới, mặt này liên quan với ống dẫn tinh, túi tinh và trực tràng. Ở nữ giới, có liên quan tới các bộ phận như thành trước âm đạo, cổ tử cung.

Hình thể trong bàng quang:

Mặt trong của bàng quang được lót bởi lớp niêm mạc có màu hồng nhạt. Khi bàng quang ở trạng thái rỗng, niêm mạc xếp thành các nếp tạo nên các nếp niêm mạc. Khi bàng quang chứa nước tiểu, các nếp niêm mạc dần mất đi.

Trong lòng bàng quang có một vùng được gọi là tam giác bàng quang. Đây là vùng được giới hạn bởi hai lỗ niệu quản và lỗ niệu đạo. Vùng tam giác bàng quang này niêm mạc không bị xếp nếp. Nếp gian niệu quản là gờ nối 2 lỗ niệu quản với nhau. Mặt sau, có một gi khác gọi là lưỡi bàng quang chạy từ chính giữa tam giác xuống lỗ niệu đạo trong.

Cấu tạo của bàng quang

Bàng quang được cấu tạo bởi 4 lớp như sau:

  • Lớp niêm mạc.
  • Lớp hạ niêm mạc hay còn gọi là lớp dưới niêm mạc. Lớp này khá lỏng lẻo nên có thể làm lớp cơ và lớp hạ niêm mạc trượt lên nhau.
  • Lớp cơ: Được cấu tạo bởi nhiều bó cơ trơn và xếp thành 3 lớp (cơ dọc ở ngoài, ở giữa là lớp cơ chéo, cơ vòng bên trong).
  • Lớp thanh mạc.

Ở người trưởng thành, bàng quang có thể chứa được 300 – 500ml nước tiểu. Khi mắc phải một số bệnh lý về bàng quang có thể làm dung tích bàng quang thay đổi, có thể giảm xuống hoặc tăng lên vài chục ml.

Qua những thông tin trên cho thấy bàng quang bình thường là khi các chức năng của nó vẫn hoạt động một cách trơn tru, kiểm soát lượng nước tiểu hợp lý. Khi bàng quang có vấn đề, chức năng của bàng quang bị ảnh hưởng làm mất kiểm soát khả năng điều tiết của bàng quang. Hậu quả là dẫn tới các rối loạn đường tiết niệu như tiểu són, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ…

Để xác định các bất thường và bệnh lý liên quan tới bàng quang, người bệnh được bác sĩ chỉ định một số kỹ thuật chẩn đoán như sau:

  • Siêu âm bàng quang: Đây là phương pháp chẩn đoán được chỉ định đầu tiên khi người bệnh có các vấn đề về rối loạn tiểu tiện. Siêu âm có thể phát hiện ra các khối u đồng thời đánh giá mức độ xâm lấn bàng quang và tình trạng ứ đọng nước của hệ tiết niệu. Từ đó bác sĩ sẽ xác định vấn đề người bệnh đang gặp phải. Ngoài ra, siêu âm còn xác định các bệnh lý như viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt…
  • Nội soi bàng quang: Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông qua máy nội soi chuyên dụng. Bác sĩ có thể nhìn trực tiếp vào ống nội soi hoặc thông qua màn hình máy tính. Nếu phát hiện ra các bất thường ở bàng quang có thể điều trị ngay khi làm thủ thuật này.
  • Phân tích xét nghiệm nước tiểu: Nhờ xét nghiệm này xác định được tỷ lệ vi khuẩn, máu, mủ có lẫn trong nước tiểu nhằm đánh giá mức độ viêm nhiễm. Từ đó xác định phác đồ điều trị cho phù hợp. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu, hồng cầu vi niệu thể, các tế bào bạch cầu bị đa nhân hóa tức là bệnh đang tiến triển tới giai đoạn nặng hơn.

Xem chi tiết: Bàng quang có thể chứa được bao nhiêu nước tiểu

Chức năng của bàng quang

Mỗi cơ quan trong cơ thể đều giữ một vai trò quan trọng của nó, bàng quang cũng vậy. Đây là cơ quan rất quan trọng trong hệ tiết niệu, vai trò chủ yếu chính là lưu trữ và tống xuất nước tiểu ra bên ngoài. Bàng quang nhận nước tiểu từ thận thông qua hai niệu quản và thải nước tiểu thông qua đường niệu.

Bình thường, bàng quang chứa khoảng 250 – 300ml nước tiểu cơ thể sẽ có cảm giác muốn đi tiểu. Trung bình, bàng quang có thể chứa tới 500 ml nước tiểu mà không quá căng. Khi bạn cố nhịn tiểu dung tích bàng quang có thể tăng lên khá nhiều lần. Với trường hợp bị bí tiểu, bàng quang có thể căng lên rất to và chứa tới vài lít nước tiểu.

Bàng quang dự trữ nước tiểu và bài tiết nước tiểu theo từng đợt nhờ vào sự kết hợp của các cơ bàng quang như sau:

  • Cơ trơn: Đây là lớp cơ chịu sự điều khiển của thần kinh phó giao cảm từ tủy, giúp thải nước tiểu ra bên ngoài.
  • Cơ vòng trong cổ bàng quang và lỗ niệu đạo: Nhận sự chi phối của thần kinh giao cảm, có chức năng kiểm soát quá trình tiểu tiện. Ngoài ra, đối với nam giới cơ vòng này còn có vai trò ngăn chặn tinh dịch để tránh tình trạng trào ngược mỗi khi xuất tinh.
  • Cơ vân ở bên ngoài có thể tự điều khiển theo mong muốn của bản thân.

Chức năng tiểu tiện của bàng quang có sự chi phối và kiểm soát của một cơ chế thần kinh rất phức tạp của hệ phó giao cảm ở tủy cùng, những sợi giao cảm ở tủy ngực và một phần của thân não và tủy sống.

Khi bàng quang tích trữ đầy nước tiểu, những dây thần kinh phát tín hiệu đến não nhờ vào các dây liên lạc tủy sống. Khi các tín hiệu được truyền tới não, não sẽ phát ra tín hiệu phản hồi cơ quan này khiến chúng co lại. Tiếp theo đó, cơ thắt và van nằm gần niệu đạo thả lỏng và dần mở ra để nước tiểu chảy xuống và thoát ra khỏi cơ thể.

Cẩn trọng với các bệnh lý liên quan tới bàng quang

Bàng quang giữ vai trò rất quan trọng trong cơ thể, khi bàng quang gặp trục trặc ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Dưới đây là một số bệnh lý thường gặp về bàng quang bạn cần chú ý.

Bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt khiến người bệnh đi tiểu nhiều lần trong ngày.

Theo thống kê, hiện nay bàng quang tăng hoạt ảnh hưởng từ 10-20% dân số, cả nam và nữ ở các độ tuổi khác nhau. Đặc biệt tỷ lệ này càng gia tăng cao hơn ở người già. Chuyên gia cho biết, bàng quang tăng hoạt là tình trạng cơ bàng quang co bóp quá mức kết hợp với cơ sàn chậu suy yếu khi lượng nước tiểu trong bàng quang chỉ 100-150ml (bình thường thì phải trên 350ml mới tạo phản xạ đi tiểu). Bệnh gây ra các rối loạn tiểu tiện như tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu són, tiểu không kiểm soát..

Bệnh này tuy không quá nguy hiểm nhưng lại gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống của người bệnh. Chính vì vậy người bệnh cần phải thường xuyên được thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện ra các dấu hiệu gây bệnh sớm. Từ đó có những phương pháp hỗ trợ điều trị kịp thời, tránh gây ra những hậu quả nguy hại cho sức khỏe.

Bạn đọc có thể liên hệ tổng đài tư vấn miễn cước 1800.1297 hoặc kết nối Zalo 0923.182.832 để được tư vấn chi tiết và cách ngăn ngừa bàng quang tăng hoạt hiệu quả nhất.

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang là tình trạng viêm hay nhiễm trùng bàng quang gây ra cảm giác đau cấp hoặc mạn tính. Kèm theo đó là cảm giác khó chịu, tiểu rắt, tiểu són. Đây là bệnh lý khá phổ biến, có thể chiếm tới 50% các ca nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu không có biện pháp điều trị đúng cách bệnh có thể dẫn tới viêm đài bể thận dẫn tới suy thận rất nguy hiểm.

Sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang có thể hình thành ở thận và đi tới bàng quang. Sỏi bàng quang thường có hình tròn, ít khi bị xù xì hay góc cạnh. Nếu sỏi chặn dòng nước tiểu đến hoặc đi từ bàng quang có thể khiến người bệnh bị đau dữ dội. Nếu sỏi nhỏ có thể được đào thải ra ngoài theo đường tiểu. Nhưng đối với sỏi lớn hơn, chúng nằm tại bàng quang, theo thời gian tích tụ lớn  và tiếp tục bám vào dẫn tới những cơn đau khó chịu.

Ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang thường gặp ở người lớn tuổi và phổ biến hơn ở nam giới. Hút thuốc lá và phơi nhiễm hóa chất tại nơi làm việc làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời mang lại kết quả rất khả quan.

Tiểu không tự chủ

Đây là tình trạng bị rò rỉ nước tiểu không kiểm soát, có thể kéo dài trở thành mãn tính. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra như do nhiễm trùng, thuốc, rối loạn cơ sàn chậu…Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp phổ biến ở người trung tuổi và phụ nữ sinh nhiều lần.

Bí tiểu

Là tình trạng nước tiểu không thể thoát ra khỏi bàng quang. Nguyên nhân chủ yếu thường do sự tắc nghẽn hoặc ức chế hoạt động của cơ bàng quang. Nếu không kịp thời thông tiểu, tình trạng này tái đi tái lại nhiều lần gây ứ đọng nước tiểu. Điều này có thể dẫn tới viêm nhiễm bàng quang. Nước tiểu viêm nhiễm ngược dòng có thể dẫn tới viêm thận, suy thận. Do đó, người bệnh cần đi khám, điều trị dứt điểm càng sớm càng tốt.

Chăm sóc sức khỏe bàng quang nhằm ngừa bệnh lý về bàng quang

Để tránh gặp phải các bệnh lý nghiêm trọng về bàng quang, cần trang bị những kiến thức để chăm sóc sức khỏe bàng quang một cách tốt nhất. Sau đây là một số điều cần lưu ý:

  • Bổ sung đủ nước mỗi ngày: Nên uống từ 2 – 2,5 lít nước để làm sạch vi khuẩn trong đường tiết niệu, tránh được tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu. Tuy nhiên, không nên uống quá ít hoặc quá nhiều nước đều gây ảnh hưởng không tốt tới hoạt động của bàng quang.
  • Đi tiểu ngay khi có nhu cầu, không nên nhịn tiểu. Nếu nhịn tiểu lâu ngày gây hại tới bàng quang, khiến cơ bàng quang bị suy yếu gây ảnh hưởng xấu tới thận. Thói quen nhịn tiểu làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi đường tiết niệu.
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng kín nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn, ngăn không để các vi khuẩn có cơ hội tấn công và gây hại.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích, đồ ăn có hại cho sức khỏe như thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, các loại trái cây nhiều acid…
  • Không hút thuốc lá để giảm nguy cơ mắc ung thư bàng quang.
  • Giữ cân bằng ở mức hợp lý để bảo vệ bàng quang. Bởi bàng quang chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể, khi trọng lượng cơ thể tăng đồng nghĩa với việc bàng quang phải chịu áp lực lớn hơn.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe cho bản thân.

Trên đây là những thông tin cần biết về vị trí, hình dáng, cấu tạo và chức năng của bàng quang. Bàng quang bình thường là khi chúng có các đặc điểm về vị trí, hình dáng, cấu tạo cũng như các chức năng kể trên. Hy vọng những thông tin trên mang lại những kiến thức hữu ích cho bạn đọc và giúp chúng ta chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh lý cho bản thân mình.

Cập nhật lúc: 13/03/2024
*CẢNH BÁO* Hiện nay có một số đối tượng giả danh công ty Thái Minh để “lừa dối” khách hàng. Vì vậy, từ ngày 01/02/2022 THÁI MINH sẽ sử dụng số điện thoại duy nhất 0986.01.01.01 để liên hệ GỌI RA và chăm sóc khách hàng. Trân trọng!

Bài viêt liên quan

Xem thêm »

Có thể bạn quan tâm

Loading...